Sinh hoạt nội đình Hậu cung nhà Nguyễn

Nơi ở

Các bậc Hoàng hậu, Hoàng thái hậuHoàng thái phi theo ghi chép trú tại những cung điện lớn nhất trong dãy Hoàng thành Huế, đó là:

  • Diên Thọ cung (延壽宮): tên cũ Trường Thọ cung (長壽宮) hay Từ Thọ cung (慈壽宮), xây năm Gia Long thứ 3 (1804), đây từng là cung thất của Hiếu Khang hoàng hậu. Qua các đời triều Nguyễn, đây là cung thất tôn quý nhất, dành cho người phụ nữ có địa vị tôn quý nhất trong hoàng thất.
  • Trường Sinh cung (長生宮): tên cũ Trường Ninh cung (長稱宮), xây năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vốn là một khu vườn. Khi Trang Ý Hoàng thái hậu được rước về, tôn xưng Hoàng thái hậu, thì cũng sửa sang làm cung thất cho Thái hậu. Trang Ý Hoàng thái hậu đến khi trở thành Thái hoàng thái hậu cũng đều ở tại cung này.
  • Khôn Thái điện (坤泰殿): nguyên tên Khôn Nguyên cung (坤元宮), xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807), nằm ở ngay sau điện Càn Thành - tẩm điện của Hoàng đế, là 1 trong 3 cung điện lớn nhất của khu vực Tử Cấm Thành sâu nhất trong Hoàng thành. Nơi đây từng là cung thất của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Đời Minh Mạng, chính điện được đổi tên thành Cao Minh Trung Chính điện (高明中正殿). Tuy từng là nơi Hoàng hậu ở, nhưng cung điện này lại không phải duy nhất chỉ dành cho Hoàng hậu như nhiều tài liệu về sau hay lầm tưởng.
    • Thời Hiệp Hòa, Hoàng đế tôn mẹ là Thụy tần Trương Thị Thận làm Hoàng thái phi, đã cho rước mẹ mình vào đây ở, rồi đổi thành [Khôn Thái cung][21].
    • Thời Đồng Khánh, Cảnh Tông vọng tôn Khiêm Hoàng hậu làm Trang Ý Hoàng thái hậu, nghị định chỗ ở. Triều thần ý kiến rằng:"Duy có điện Khôn Thái là giáp với phía sau điện Càn Thành, nếu rước Hoàng thái hậu đến ở đấy, gặp khi có khánh tiết, các quan đến lạy mừng, sợ có điều chưa tiện, cung Trường Ninh hiện cũng to rộng, xin giao bộ Công bắt nhiều lính và thợ, cho sửa sang khẩn cấp, rồi sẽ kính rước về ở, cho nên vua chuẩn cho theo thế mà làm".

Dòng chảy lịch sử trôi qua, vào cuối triều Nguyễn một là cung thất hư hại, một là có cùng lúc tới 3 vị Thái hậu (Từ Dụ, Trang Ý, Từ Minh) nên cung thất cũng có biến chuyển. Diên Thọ cung khi ấy là chỗ của bà Từ Dụ, Trường Sinh cung là của bà Trang Ý, thì bà Từ Minh được cho ở Từ Nghi cung (慈儀宮), trước mắt không rõ chính xác cung này ở đâu[22]. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Đích mẫu của Duy Tân cùng Nguyễn Văn Thị Định, sinh mẫu của Duy Tân đều từng ở tạm trong Dưỡng Tâm điện (养心殿), thuộc khu vực bên phải của Khôn Thái cung trong Đại nội, trước khi cả hai cùng chuyển qua Trường Sinh cung[23].

Nơi ở của các phi tần đều phân bố ra trong khu vực Lục viện (六院), thuộc góc Tây-Bắc của Tử Cấm Thành, bao gồm:

  • Thuận Huy viện (順徽院);
  • Đoan Thuận viện (端順院);
  • Đoan Hòa viện (端和院);
  • Đoan Huy viện (端徽院);
  • Đoan Trang viện (端莊院);
  • Đoan Tường viện (端祥院);

Có hiểu lầm thông thường, các viện sẽ là nơi ở cố định của một cấp, đây đều xuất phát từ "Thân phận và nếp sống các bà trong nội cung nhà Nguyễn" của Phan Văn Dật trên Số 16 (T.12-1985) của Tạp chí sông hương, về sau được các tác giả khác đưa vào dẫn chứng. Thực tế rằng, các phi tần ở Nội đình đều chia nhau ra sống trong Lục viện, bất kể giai cấp hay địa vị. Điều này thể hiện không chỉ qua việc Nội vụ phủ cung cấp đồ cho Nội đình chỉ vỏn vẹn "6 viện", lễ sách phong cung giai cũng đề cập chuyện "cầm cờ Tiết đến các Quý viện theo nghi lễ", mà còn thông qua bài phỏng vấn trực tiếp Diệu phi Mai Thị Vàng trên Tạp chí Sông Hương vào năm 1936[24].

Lệ cư xử và xưng hô

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục, năm Tự Đức thứ 23 (1870), chuẩn định điển lễ hành xử trong nội cung. Dực Tông khi đó nghĩ thứ bậc cung giai đã có điển lễ, duy lễ đối xử với nhau trong khi tiếp kiến chưa được bàn định đến, bèn sai bộ Lễ châm chước nghĩ định. Tuy đã tra ở cổ lễ, cũng không có chép rõ. Sau tâu lên, nhưng sửa định lại, để làm lệ mãi.

Các Phi, Tần trở xuống đến Tài nhân vào hầu Hoàng quý phi ở Viện sở, các Phi và Tần thì lễ vái 2 vái trước. Hoàng quý phi đứng dậy đáp lễ 1 vái, Tiệp dư cho đến Tài nhân, đều làm lễ 3 vái, Hoàng quý phi không vái đáp lễ, rồi mời đến chỗ ngồi, đều chiếu thứ bậc cao thấp mà ngồi, không được ngồi cùng chiếu với Hoàng quý phi. Khi tiếp nói chuyện xong, xin cáo từ lui về, các Phi trở xuống đứng dậy, nên đáp nên không đều như trước. Hoàng quý phi nhân có việc đến các sở cung giai, việc vái đáp và chỗ ngồi phải làm cũng theo như trước mà làm.

Còn như các Phi, các Tần tiếp kiến nhau và Tiệp dư trở xuống đến Tài nhân tiếp kiến nhau, thì khi mới gặp và khi từ giã ra về đều làm lễ vái chào 1 vái, đáp lễ 1 vái. Tiệp dư trở xuống đến Tài nhân yết kiến các Phi và Tần, khi mới yết kiến và cáo từ ra về, đều làm lễ vái 2 vái; các Phi, Tần đối với Tiệp dư chỉ đáp 1 vái, còn từ Quý nhân trở xuống đều không vái đáp lễ. Hoặc các Phi, Tần có tiếp kiến Tiệp dư trở xuống đến Tài nhân, nghi lễ vái đáp đều giống như trên. Còn chỗ ngồi cũng đều cho theo thứ bậc cao thấp mà ngồi.

Vị nhập giai trở xuống đến Thị nữ và Nữ quan, trừ hạng Thục nhân ra, như có đến hầu các Phi, Tần. Các Vị nhập giai trở xuống thì lạy các Phi; Cung nhân trở xuống thì lạy các Tần, đều làm lễ lạy 1 lạy, rồi đều chiếu thứ bậc chia ra đứng hầu 2 bên tả hữu, không được ngồi, khi cho ngồi mới được ngồi ở chiếu dưới.

Các cấp bậc trên đây đều có trên dưới; nếu người trên hỏi đến thì kẻ dưới đều [“Dạ”] và [“Bẩm”]; trả lời kẻ dưới thì người trên nên “Vâng”. Trong khi xưng hô: các Phi, Tần thì xưng là ["Phi mỗ"], ["Tân mỗ"]. Từ Tiệp dư đến Vị nhập giai xưng ["Chức và họ"], Cung nhân trở xuống đến Thị nữ thì xưng ["Thị mỗ"][25]. Còn các bậc Nữ quan thì bậc thứ trở xuống đều “Dạ” bậc đầu; bậc trung trở xuống đều “Dạ” bậc thứ; bậc dưới, bậc cuối đều “Dạ” các bậc giữa trở lên. Xưng hô thì đều tuỳ theo quan hàm, như có yết kiến nhau đều làm lễ vái 1 vái, kẻ dưới vái trước, người trên đáp lại, duy bậc đầu, bậc thứ đối với bậc dưới, bậc cuối thì miễn vái đáp lễ. Chỗ ngồi cũng đều chiểu theo thứ bậc trên dưới, không được trái phép vượt bậc.

Lại như khi đi cùng gặp, các Phi trở xuống gặp Hoàng quý phi, đều phải tránh đứng ra bên đường, chờ Hoàng quý phi đi khỏi rồi mới đi, còn các giai trở xuống đến Nữ quan, đều có thứ bậc tôn ty, như có gặp nhau, cũng theo như thế mà làm, đều theo cấp bậc mà tỏ ra có lễ phép.

Đại Nam thực lục , Tự Đức bản kỷ, Quyển XLIII

Cũng dựa theo bài phỏng vấn của bà Mai Thị Vàng trên Tạp chí sông Hương, Phi tần thân mật có thể xưng với Hoàng đế là [“Em”], Hoàng đế gọi Phi tần bằng ["Bà"], ["Khanh"] hoặc gọi thẳng tên của người ấy. Việc gọi thẳng tên của Phi tần khá phổ biến, vì ngay bản thân Từ Dụ Hoàng thái hậu khi còn là Quý phi, do được Hiến Tổ yêu quý mà "Phàm khi lên hầu hay triệu hỏi, đều chỉ gọi là Phi chứ không gọi tên” (trích Đại Nam liệt truyện - Nghi Thiên Chương Hoàng hậu). Còn theo ghi chép của Hiệp tá đại học sĩ Ưng Trình, cháu nội Tùng Thiện vương Miên Thẩm trong sách “Tùng Thiện vương, tiểu sử và thi văn”, Phi tần nói chuyện với Hoàng đế đều tự xưng [“Tôi”], [“Chúng tôi”]. Ở đây, tôi là chữ Nôm tương đương [Thần; 臣], có cụm từ "Vua tôi" chính là như vậy.

Căn cứ ghi chép của Ưng Trình, kẻ dưới gọi người trên là ["Ngài"] đối với Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa; gọi ["Bà"] đối với phi tần. Đặc biệt nhất là tước hiệu ["Tần"], đều phải gọi là [Tân]. Theo ghi nhận bản thân Ưng Trình và ghép của người Pháp cùng quan lại Nam triều bằng quốc ngữ, thì chữ "Tần" tuy viết chữ Hán không đổi, nhưng âm phải đọc thành "Tân" hay "Tờn", "Tớn" đều tùy, do âm "Tần" đã phạm vào quốc húy Nguyễn Phúc Tần.

Các bậc Thái hậu trong triều cũng có nhiều vị tôn, đều dựa vào vai vế. Trước khi có tôn hiệu Hoàng thái hậu, các Ngài thường được Hoàng đế gọi là ["Hoàng mẫu"; 皇母] (có thể xem sách văn của các sách văn của các bà Thuận Thiên, Nghi Thiên); ngoài ra còn có cách gọi khác như ["Thánh mẫu"; 聖母][26], ["Tôn từ"; 尊慈][27], ["Hoàng lệnh từ"; 皇令慈] dành cho mẹ đẻ cùng ["Hoàng nguyên từ"; 皇元慈] dành cho Đích mẫu (trường hợp của Thánh CungTiên Cung). Các bậc Thái hoàng thái hậu hay cao hơn nữa, được tôn gọi bằng những tôn hiệu như ["Thánh tổ mẫu"; 聖祖母] hay ["Thánh tằng tổ mẫu"; 聖曾祖母].

Thời Duy Tân, Phế Đế bị giáng biếm vào Sài Gòn, quan bảo hộ người Pháp xin bàn định cách xưng hô. Phủ Phụ chính tâu nói bản triều không có lệ ấy, duy quốc chủ các triều trước nhường ngôi đều được tôn là Thái thượng hoàng, đích mẫu là Hoàng thái hậu, sinh mẫu là Hoàng thái phi. Nay Hoàng thượng lên ngôi, cứ nói là lúc đầu chưa kịp bàn bạc về lễ. Sài Gòn là nhượng địa do nước Pháp quản hạt, việc xưng hô tùy theo tục nước Pháp. Tới như ở Trung Bắc hai kỳ phàm nếu phải viết tới và xưng hô đều tuân theo chiếu tấn tôn gọi là ["Hoàng phụ"; 皇父], ["Hoàng đích mẫu"; 皇嫡母] (bà Vân Anh), ["Hoàng sinh mẫu"; 皇生母] (bà Thị Định), chờ về sau sẽ bàn nghĩ thi hành.

Khi xưng hô cúng kị các đời trước, thông dụng cách gọi chung ["Tiên Đế"; 先帝] hoặc miếu hiệu kèm thụy hiệu của Hoàng đế đó, ví dụ Vua Tự Đức theo cách gọi trang trọng là ["Dực Tông Anh Hoàng đế"], trong đó Dực Tông là miếu hiệu, còn Anh Hoàng đế là Đế thụy trong dãy thụy hiệu. Bản thân Hoàng đế gọi cha đã khuất là ["Hoàng khảo"; 皇考], mẹ đã mất là ["Hoàng tỷ"; 皇妣] (Chữ Tỷ này khác chữ Tỷ 姊 nghĩa là chị), tương tự với đồi ông nội hay bà nội, thêm thành tố "Tổ" vào giữa.

Nếp sống

Theo phỏng vấn với bà Mai Thị Vàng, phi tần trong Nội đình thường nghiêm khắc làm việc, hầu hạ Thái hậu. Theo ghi chép của Ch. Gosselin trong L'Empire d'Annam, lúc vua Dực Tông còn tại vị, hằng ngày có 13 người chuyên làm việc chải đầu, mặc áo, trau chuốt móng tay của nhà vua, lại làm mọi việc phục vụ như vấn khăn, mài mực chuẩn bị cho nhà vua phê duyệt tấu chương. Căn cứ chuyện Giai phi Phan Văn thị thời Đồng Khánh, ngày thường các cung phi cung tần có lẽ sẽ đảm nhiệm quản lý một Thượng trong Lục thượng viện. Bản thân Trung phi Vũ thị, sau khi bị giáng từ tước Hoàng quý phi xuống Trung phi như cũ, Dực Tông có phán rằng:"Giáng làm Trung phi quản nhiếp Thượng nghi, không cho Suất nhiếp Lục viện nữa", chứng tỏ cung phi quản lý một Thượng là điều khá bình thường trong cuộc sống Nội đình triều Nguyễn.

Ngoài những nghĩa vụ hầu hạ Hoàng đế, theo ghi chép của Micheal Đức Chaigneau[28], ông có nhận xét về nét sinh hoạt của cung tần trong nội đình khá nhàn nhã:"Vừa dựa mình vào những chiếc gối xếp chồng chất trên chiếu hay trên các tấm thảm, họ vừa chuyện trò, chơi bời, ca hát, hút thuốc và uống trà". Căn cứ ghi chép của Ưng Trình, các phi tần khi rảnh rỗi liền đọc sách, trồng cây, nuôi chim, , thêu thùa. Theo lời bà Mai Thị Vàng, phi tần sống ở mỗi viện có người nấu cơm, ai ăn riêng phần nấy. Về đãi ngộ hầu hạ, bậc Nhất giai có 10 người hầu, đến Cửu giai giảm dần còn 3 người (Hồi ký của Pierre Pasquier, từng một thời là Toàn quyền Đông Dương).